Người ta có đến 1001 lý do để đến với Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là đất nước cầu nối Á – Âu, vì đây là quốc gia có nhiều công trình kiến trúc cổ đại, vì đây là vùng đất của sự tự do hay là nơi hành hương của nhiều tín đồ cơ đốc giáo… Nhưng ở Thổ có một vùng đất mà mọi người đều muốn đặt chân đến và cũng là điểm bắt đầu của những tour dài ngày đó là Cappadocia, vùng đất được tạo nên từ những hoạt động của núi lửa hàng triệu triệu năm trước.
Muốn đến Cappadocia, cách nhanh nhất là đáp máy bay đến Istanbul – thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nối chuyến đến Kayseri và tiếp tục trung chuyển bằng xe buýt khoảng hơn 1h.
Những ngôi nhà với kiểu kiến trúc độc đáo ở Cappadocia
Là vùng đất rộng lớn tập hợp của những đô thị nhỏ như Avanos Goreme, Cavusin, Uchisar và Nevsehir, Cappadocia mỗi năm thu hút hàng triệu du khách bởi sự độc đáo về địa chất cũng như những nét văn hóa gắn liền với lớp đất dung nham núi lửa.
Khi chiếc xe từ từ lăn bánh vào thị trấn, cảm giác choáng ngợp ùa vào mỗi du khách khi những ngọn đồi phía trước mặt là hàng trăm ô cửa nhỏ, đó chính là lối vào của những căn nhà được khoét vào lòng núi. Cappadocia đã là đây, vùng đất của muôn điều diệu kì mà thiên nhiên đã ưu ái thêu dệt và ban tặng.
Các hòn đá với hình dáng như những chiếc nấm khổng lồ ở Cappadocia
Cappadocia xuất hiện trên bản đồ văn minh từ thời Hittite khoảng năm 1800 – 1200 trước Công Nguyên sau khi nhà vua thống nhất các quốc gia nhỏ. Tiếp tục phát triển dưới sự kiểm soát của người Ba Tư rồi La Mã, dưới thời Byzantine (thế kỉ 4-14 Sau Công Nguyên), Cappadocia trở thành một trong những trung tâm đầu tiên của Cơ Đốc giáo.
Hàng triệu năm trước, trong quá trình kiến tạo địa chất, vùng đất Cappadocia nằm trong khu vực đứt gãy của vỏ trái đất. Những miệng núi lửa đã phun trào tạo nên thung lũng bao phủ đầy dung nham. Khi vừa tuôn trào, dung nham trên bề mặt gặp phải không khí lạnh và đông cứng lại. Lớp bên dưới, do ít tiếp xúc không khí được gọi là lớp đá mềm. Trải qua hàng ngàn năm tác động của tự nhiên đặc biệt là mưa và gió đã biến lớp đá cứng thành hình nón, lớp đá bên dưới vì mềm hơn nên bị xói mòn nhanh và điều đó đã tạo nên những tảng đá có hình cây nấm khổng lổ cao đến 30-40m nằm rải rác khắp các thung lũng đặc biệt là ở Uchisa. Ai đặt chân đến đây cũng cảm thấy như đang lạc vào thế giới của câu chuyện cổ tích khi quanh họ đầy những cột nấm và cả những căn nhà nằm trong lòng núi.
Vùng đất Cappadocia có nhiều thung lũng và ở đó người Thổ Nhĩ Kỳ thường treo những con mắt quỷ lên cành cây như ở “Thung lũng bồ câu” để cầu may mắn. Con mắt quỷ màu xanh biếc được cư dân trên khắp đất nước xem như chiếc bùa bảo vệ cho họ trong mọi mặt của cuộc sống. Bạn sẽ tìm được rất nhiều hình tượng này ở nhiều nơi từ cửa nhà, xe ô-tô, vòng đeo cổ,… và ai cũng có thể mua một cái với giá chỉ 1 – 2 usd để làm quà lưu niệm cho bạn bè hay giữ may mắn cho chính mình.
Đá mặt quỷ được tìm thấy dễ dàng ở bất kỳ đâu
Bạn đừng bỏ qua chuyến đi lang thang buổi tối trong thung lũng để khám phá những quán cà phê trong lòng núi một cách đúng nghĩa. Cánh cửa phòng mở ra, không gian mờ ảo hiện dần với tường chính là lớp đá dung nham hàng triệu năm tuổi. Cái giá lạnh của đêm sương sớm được xua tan bởi không khí ấm cúng với đèn cầy và tiếng đàn hát đôi nghệ sỹ sẽ khiến bạn ngất ngây. Đêm Cappadocia, hãy cảm nhận thật nhiều không gian này trong những ngày đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ bạn nhé.
An Nam – Du Lịch Việt
Đăng ngày: 07/05/2013